"Thế kỷ đế quốc" của Anh (1815 – 1914) Đế_quốc_Anh

Bản đồ chi tiết Đế quốc Anh năm 1886, những lãnh thổ do Đế quốc Anh cai trị được tô màu trên bản đồ.

Từ năm 1815 đến 1914 là khoảng thời gian mà các sử gia cho là "thế kỷ đế quốc" của Anh,[100][101] họ mở rộng lãnh thổ của mình thêm 10.000.000 dặm vuông Anh (26.000.000 km2) cùng với khoảng 400 triệu người.[102] Chiến thắng trước Napoléon giúp Anh không còn bất kỳ đối thủ quốc tế đáng gờm nào, ngoại trừ với Nga tại Trung Á.[103] Không gặp thách thức trên biển, Anh tiếp nhận vai trò là cảnh sát toàn cầu, về sau còn được gọi là Pax Britannica ("Thái bình Anh quốc"),[104] và chính sách đối ngoại "cô lập quang vinh". Cùng với việc áp đặt kiểm soát chính thức lên các thuộc địa của mình, vị thế chi phối của Anh trong mậu dịch thế giới có nghĩa rằng họ kiểm soát hữu hiệu nền kinh tế của nhiều quốc gia, như ArgentinaXiêm La, là điều được một vài nhà sử học gọi là "đế quốc phi chính thức".[105][106]

Sức mạnh đế quốc của Anh được củng cố bằng tàu hơi nướcđiện báo, các công nghệ mới được phát minh trong nửa cuối của thế kỷ XIX, cho phép họ kiểm soát và phòng thủ đế quốc. Đến năm 1902, Đế quốc Anh được liên kết với nhau bởi một mạng lưới cáp điện báo, được gọi là Toàn Hồng Tuyến.[107]

Công ty Đông Ấn tại châu Á

Bài chi tiết: Ấn Độ thuộc Anh
Một biếm họa chính trị của Benjamin Disraeli (1804–1881). Câu ghi chú là "New crowns for old ones!" (Tạm dịch: Vương miện mới cho những người cũ)

Công ty Đông Ấn Anh tiến hành mở rộng lãnh thổ của Đế quốc Anh tại châu Á. Quân đội của Công ty ban đầu gia nhập lực lượng với Hải quân Hoàng gia trong Chiến tranh Bảy năm và hai bên tiếp tục hợp tác trên các chiến trường nằm ngoài Ấn Độ: trục xuất quân Napoléon khỏi Ai Cập (1799),[108] chiếm Java từ Hà Lan (1811), thu nhận Singapore (1819) và Malacca (​​1824) và đánh chiếm Miến Điện (1826).[103]

Từ căn cứ tại Ấn Độ, Công ty tiến hành mậu dịch xuất khẩu thuốc phiện ngày càng sinh lợi sang Trung Quốc kể từ thập niên 1730. Hoạt động mậu dịch này trở thành bất hợp pháp kể từ khi nó bị nhà Thanh cấm vào năm 1729, song buôn thuốc phiện giúp đảo nghịch sự mất cân bằng thương mại do Anh nhập khẩu trà vốn khiến một lượng lớn bạc đổ từ Anh sang Trung Quốc.[109] Năm 1839, chính quyền Trung Quốc tại Quảng Châu cho tịch thu hơn 2 vạn hòm thuốc phiện, dẫn đến việc Anh tấn công Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất và đem đến kết quả là người Anh chiếm đảo Hồng Kông - đương thời là một khu dân cư nhỏ.[110]

Nữ hoàng Victoria khai mạc triển lãm quốc tế năm 1851 (Đại Triển lãm) tại Luân ĐônCung điện Thủy tinh

Vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, Chế độ quân chủ của nước Anh bắt đầu đảm nhiệm một vai trò lớn ngày càng tăng trong các sự vụ của Công ty. Một loạt đạo luật của Quốc hội được thông qua, gồm có Đạo luật Điều tiết 1773, Đạo luật Ấn Độ Pitt 1784Đạo luật Đặc quyền 1813 mà theo đó quy định các công việc của Công ty và thiết lập chủ quyền của chế độ Quân chủ đối với các lãnh thổ mà Công ty giành được.[111] Cuộc khởi nghĩa của người Ấn Độ vào năm 1857 đã khiến cho sự tồn tại của Công ty đi đến hồi kết, cuộc chiến này bắt đầu bằng một cuộc binh biến của các sepoy.[112] Cuộc khởi nghĩa này kéo dài trong sáu tháng thì kết thúc, với thiệt hại nặng về nhân mạng cho cả hai bên. Năm sau đó, Chính phủ Anh giải thể Công ty và nắm quyền kiểm soát trực tiếp đối với Ấn Độ thông qua Đạo luật Chính phủ Ấn Độ 1858, thiết lập Ấn Độ thuộc Anh, một toàn quyền được bổ nhiệm để quản lý Ấn Độ và Nữ vương Victoria được tôn làm Nữ hoàng Ấn Độ.[113] Ấn Độ trở thành tài sản có giá trị lớn nhất của Đế quốc, "Minh châu của Quân chủ" và là nguồn lực quan trọng nhất đối với sức mạnh của nước Anh.[114]

Một loạt những vụ mất mùa nghiêm trọng xảy ra vào cuối thế kỷ XIX đã khiến cho nạn đói lan rộng tại tiểu lục địa Ấn Độ, trong đó ước tính có trên 15 triệu người chết. Công ty Đông Ấn Anh không tiến hành bất kỳ chính sách phối hợp nào để đối phó với nạn đói trong thời kỳ họ cai trị. Sau đó, khi nước Anh cai trị trực tiếp Ấn Độ, các ủy ban được thiết lập sau mỗi nạn đói để điều tra nguyên nhân và thi hành các chính sách mới, điều này diễn ra cho đến đầu thập niên 1900.[115]

Kình địch với Nga

Kỵ binh Anh chống quân Nga tại Balaclava vào năm 1854

Trong thế kỷ XIX, Đế quốc Anh và Đế quốc Nga, vốn đang cố gắng mở rộng quyền lực đến khu vực Trung Á, ganh đua với nhau để lấp đầy các khoảng trống quyền lực bắt đầu từ việc Đế quốc Ottoman, vương triều QajarĐại Thanh suy sụp. Tình trạng kình địch tại Âu-Á này được gọi là "Ván cờ Lớn" (Great Game).[116] Như Anh lo ngại, các chiến thắng của Nga trước Ba TưOttoman biểu thị tham vọng đế quốc và khả năng của họ, làm dấy lên lo ngại tại Anh về một cuộc xâm chiếm bằng đường bộ vào Ấn Độ.[117] Năm 1839, để nhằm giành thế chủ động trước nguy cơ này nước Anh đã xâm chiếm Afghanistan, tuy nhiên cuộc Chiến tranh Afghanistan-Anh thứ nhất lại là một thảm họa đối với nước Anh.[96] Đây là một trong những thất bại thảm hại nhất trong thời đại Victoria, khi mà quân Anh bị bộ tộc Pashtun, vốn được trang bị bằng vũ khí do Nga cung cấp, tiêu diệt gần như toàn bộ trên đường rút khỏi Kabul.[118] Chiến tranh Afghanistan-Anh thứ hai vào năm 1880 dẫn đến thất bại thảm hại của người Anh tại Maiwand, cũng như thành Kabul bị người Afghan bao vây và người Anh bị buộc phải rút về Ấn Độ. Thất bại trong Chiến tranh Afghanistan-Anh thứ ba vào năm 1919 buộc người Anh phải rời bỏ Afghanistan vĩnh viễn.

Sau khi người Nga xâm chiếm khu vực Balkan của đế chế Ottoman vào năm 1853, lo ngại về ưu thế của Nga tại Địa Trung HảiTrung Đông đã khiến Anh và Pháp xâm chiếm bán đảo Krym để tiêu diệt năng lực hải quân của Nga.[96] Cuộc Chiến tranh Krym (1854–56) diễn ra sau đó đã áp dụng các kỹ thuật mới của chiến tranh hiện đại,[119] và cũng là cuộc chiến tranh toàn cầu duy nhất giữa Anh và thế lực đế quốc khác trong thời kỳ Pax Britannica, kết quả của cuộc chiến này là một thất bại nặng nề đối với Nga.[96] Tình hình tại Trung Á vẫn chưa thể được giải quyết một cách ổn thỏa trong hai thập niên tiếp theo, sau khi Anh sáp nhập Baluchistan vào năm 1876 và Nga sáp nhập Kirghizia, KazakhstanTurkmenistan.

Vào năm 1878, Đế quốc Ottoman đã chuyên giao đảo Síp cho Anh và đổi lại họ sẽ nhận được viện trợ nếu bị người Nga tấn công. Trong cùng năm, Nga và Anh đạt được một hiệp định về phạm vi ảnh hưởng của họ trong khu vực và trên toàn bộ các vấn đề còn tồn tại vào năm 1907 khi ký kết Hiệp ước thân thiện Nga-Anh.[120] Cố gằng cuối cùng để mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Á đã được người Anh thực hiện trong cuộc Viễn chinh Tây Tạng bất thành năm 1903-04. Sự kiện Hải quân Nga bị người Nhật hủy diệt trong Hải chiến cảng Lữ Thuận trong khuôn khổ Chiến tranh Nga-Nhật 1904–05 cũng hạn chế mối đe dọa của Nga đối với Anh.[121]

Cape đến Cairo

The Rhodes Colossus—Cecil Rhodes giang từ "Cape đến Cairo"

Công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập Thuộc địa Cape tại mũi phía nam của châu Phi vào năm 1652 để làm một trạm cho các tàu của họ đi và rời các thuộc địa tại Đông Ấn. Nước Anh chính thức sở hữu khu thuộc địa và những cư dân Afrikaner (hay Boer) chiếm đa số ở thuộc địa này vào năm 1806, từ trước đó nước Anh đã chiếm đóng nơi này vào năm 1795 để ngăn chặn nó rơi vào tay người Pháp sau khi Pháp xâm chiếm Hà Lan.[122] Những di dân từ nước Anh bắt đầu tăng lên từ sau năm 1820, họ đã đẩy hàng nghìn người Boer vốn phẫn uất trước sự cai trị của Anh về phía bắc, người Boer sau đó thành lập các nước cộng hòa độc lập của họ song hầu hết đều đoản mệnh, tình trạng này được gọi là Đại Di cư (Great Trek) và diễn ra vào cuối thập niên 1830 và đầu thập niên 1840.[123] Trong quá trình di dân, những người Boer đã đụng độ nhiều lần với người Anh, người Anh thì có chương trình riêng của mình nhằm khuếch trương thuộc địa tại Nam Phi và với vài chính thể châu Phi, bao gồm của người SothoZulu. Cuối cùng thì người Boer cũng đã thành lập hai nước cộng hòa tồn tại lâu dài là: Cộng hòa Nam Phi hay Cộng hòa Transvaal (1852 – 1877; 1881 – 1902) và Quốc gia Tự do Oranje (1854 – 1902).[124] Năm 1902, đế quốc Anh đã chiếm đóng hai nước cộng hòa này và ký kết một hiệp định với hai nước cộng hòa Boer sau Chiến tranh Boer thứ hai (1899 – 1902).[125]

Năm 1869, kênh đào Suez được khánh thành dưới quyền Napoléon III, liên kết Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương. Ban đầu, Anh phản đối Kênh đào;[126] song khi nó được khánh thành, giá trị chiến lược của nó nhanh chóng được công nhận và trở thành "tĩnh mạch cổ của Đế quốc".[127] Năm 1875, chính phủ Bảo thủ của Benjamin Disraeli mua từ quân chủ Ai Cập đang mắc nợ là Isma'il Pasha 44% cổ phần của Kênh đào Suez với giá £4 triệu. Mặc dù điều này không trao cho Anh quyền kiểm soát lập tức thủy đạo chiến lược, song tạo cho Anh đòn bẩy. Kiểm soát tài chính chung Anh-Pháp đối với Ai Cập kết thúc khi Anh chiếm đóng hoàn toàn Ai Cập vào năm 1882.[128] Pháp vẫn là đại cổ đông và nỗ lực làm suy yếu vị thế của Anh,[129] song nhờ có một thỏa hiệp đạt được theo Hiệp định Constantinopolis 1888, mà vì thế Kênh đào đã trở thành một lãnh thổ trung lập chính thức.[130]

Với sự cạnh tranh của Pháp, BỉBồ Đào Nha ở hạ lưu khu vực sông Congo đã phá hoại sự thuộc địa hóa một cách có trật tự ở vùng châu Phi nhiệt đới, Hội nghị Berlin 1884–85 đã được tổ chức nhằm điều chỉnh sự cạnh tranh giữa các thế lực châu Âu trong cái được gọi là "Tranh giành châu Phi" theo định nghĩa "chiếm đóng hữu hiệu" với tư cách là tiêu chuẩn về công nhận quốc tế cho các yêu sách lãnh thổ.[131] Sự tranh giành này tiếp tục trong thập niên 1890 và khiến cho Anh tái cân nhắc lại quyết định triệt thoái khỏi Sudan vào năm 1885. Một lực lượng liên quân gồm quân Anh và Ai Cập đã đánh bại quân Mahdi vào năm 1896 và đẩy lui một cuộc xâm chiếm của Pháp tại Fashoda vào năm 1898. Sudan trên danh nghĩa nằm dưới chế độ đồng trị Anh-Ai Cập, song trên thực tế nó là một thuộc địa của Anh.[132]

Những thâu tóm của Anh tại miền nam và miền đông châu Phi đã thúc đẩy Cecil Rhodes, nhà tiên phong của quá trình bành trướng của Anh tại châu Phi, đề xuất xây dựng một tuyến đường sắt từ "Cape đến Cairo" liên kết Kênh đào Suez có tầm quan trọng về mặt chiến lược với miền Nam giàu khoáng sản.[133] Trong thập niên 1880 và 1890, Rhodes cùng với Công ty Nam Phi thuộc Anh do ông sở hữu chiếm đóng và sáp nhập các lãnh thổ mà sau đó được đặt là Rhodesia theo họ của ông.[134]

Cải biến địa vị của các thuộc địa da trắng

Ngành kinh tế chủ yếu của Canada xét theo số lao động và giá trị sản phẩm là kinh doanh gỗ. Ontario khoảng năm 1900.

Con đường dẫn đến độc lập đối với các thuộc địa da trắng của Đế quốc Anh bắt đầu với Báo cáo Durham năm 1839, trong đó đề xuất rằng chính phủ nên trao quyền thống nhất và tự quản cho ThượngHạ Canada, như một giải pháp cho các bạo động vũ trang tại đây vào năm 1837.[135] Điều này bắt đầu bằng việc thông qua Đạo luật Liên minh năm 1840, theo đó thiết lập Tỉnh Canada. Hệ thống chính phủ không chuyên quyền đầu tiên được công nhận tại Nova Scotia vào năm 1848 và nhanh chóng được mở rộng cho các thuộc địa khác của Anh tại Bắc Mỹ. Sau khi Quốc hội Anh thông qua Đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh năm 1867, Canada, New Brunswick và Nova Scotia đã hợp nhất thành Quốc gia tự trị Canada, một liên bang được hưởng quyền tự trị hoàn toàn với ngoại lệ là các quan hệ quốc tế.[136] Úc và New Zealand giành được mức độ tự trị tương tự sau năm 1900, khi các thuộc địa Úc liên bang hóa vào năm 1901.[137] Thuật ngữ "tình trạng quốc gia tự trị" chính thức được giới thiệu tại Hội nghị Thuộc địa năm 1907.[138]

Những thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX chứng kiến các chiến dịch chính trị mang tính phối hợp đòi quyền tự quản cho Ireland. Ireland đã được hợp nhất với nước Anh theo Đạo luật Liên minh năm 1800 sau cuộc khởi nghĩa Ireland năm 1798 và nó đã phải trải qua một nạn đói khắc nghiệt từ năm 1845 đến năm 1852. Quyền tự trị dành cho Ireland đã được Thủ tướng Anh William Gladstone ủng hộ, ông ta hy vọng rằng Ireland có thể tiếp bước Canada để trở thành một quốc gia tự trị trong đế quốc, song Dự luật Tự trị năm 1886 của ông ta đã gặp phải thất bại tại Quốc hội. Mặc dù nếu dự luật này được thông qua Ireland chỉ nhận được mức độ tự trị thấp hơn nhiều so với các tỉnh của Canada trong liên bang của họ,[139] song nhiều nghị viên lo ngại rằng một khi đất nước Ireland có được một sự độc lập tương đối, điều này sẽ tạo ra một mối đe dọa về mặt an ninh cho nước Anh hoặc đánh dấu bước khởi đầu cho sự tan rã của Đế quốc.[140] Một dự luật tự trị thứ nhì cũng thất bại vì các nguyên nhân tương tự.[140] Một dự luật thứ ba được Quốc hội thông qua vào năm 1914, song không được thi hành do Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng phát, dẫn đến cuộc khởi nghĩa Phục Sinh vào năm 1916.[141]